89

Cải thiện tính bền ăn mòn của hợp kim nhôm B95 bằng hóa già hai cấp

Improvement of corrosion resistance for aluminium alloy B95 by two-stage aging

NGUYỄN THỊ VÂN THANH1,*, NGÔ MINH TIẾN1,2
1.Viện khoa học và kỹ thuật vật liệu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Số 1 Đại Cồ Việt, Hà Nội

2. Viện Hóa học – Vật liệu, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự. Số 17, Hoàng Sâm, Hà Nội
*Email: thanh.nguyenthivan@hust.edu.vn

Ngày nhận bài: 6/3/2020, Ngày duyệt đăng: 21/4/2020

TÓM TẮT

Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu bước đầu về thực hiện công nghệ hóa già hai cấp cho hợp kim B95 thuộc hệ hợp kim Al-Zn-Mg-Cu. Kết quả thực nghiệm cho thấy, quy trình hóa già hai cấp với nhiệt độ cấp một lớn hơn nhiệt độ cấp hai làm thúc đẩy quá trình phân hóa dung dịch rắn, do đó làm thay đổi hình thái pha tiết ra. Nhờ vậy đã làm giảm 70% thời gian hóa già đồng thời cải thiện được tính bền ăn mòn mà chỉ giảm 6% độ bền của hợp kim so với hóa già truyền thống một cấp.

Từ khóa: B95, ăn mòn, giảm thời gian hóa già, hợp kim Al-Zn-Mg-Cu, hóa già phân cấp.

ABSTRACT

This paper presents an initial study on two-stage aging for B95 (Al-Zn-Mg-Cu) alloy. Experimental results showed, the two-stage aging (with temperature of the first stage higher than that of the second stage) accelerates the decomposition of saturated solid solution that results in change of the morphology of phase precipitation. It leads to 70 % reduction of aging time, the improvement on corrosion properties and only 6 % reduction of the ten- sile strength.

Key words: B95, corrosion, reduction of aging time, Al-Zn-Mg-Cu alloy, multistage aging.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Hiện nay, với xu hướng sử dụng vật liệu nhẹ, nhu cầu dùng hợp kim Al-Zn-Mg-Cu trong các ứng dụng cần độ bền cao, độ bền riêng lớn ngày càng tăng [1-4]. Tuy nhiên, để đạt được độ bền cao nhất của hợp kim này, thời gian hóa già lên đến 24 giờ. Trong sản xuất công nghiệp, hiệu quả kinh tế và sản lượng luôn được các nhà sản xuất quan tâm và đặt lên hàng đầu. Việc rút ngắn thời gian trong một khâu sản xuất mang lại nhiều lợi nhuận cho các nhà sản xuất. Song việc rút ngắn thời gian hóa già luôn làm giảm mạnh độ bền và tính bền ăn mòn. Do đó, việc tìm ra một giải pháp nhằm rút ngắn thời gian hóa già nhưng không làm giảm quá nhiều độ bền, đồng thời cải thiện được tính bền ăn mòn có ý nghĩa rất lớn với thực tiễn sản xuất.

Hóa già phân cấp (hóa già được tiến hành ở các nhiệt độ khác nhau) cho hệ hợp kim Al-Zn-Mg- Cu  thường  được  tiến  hành  hai,  hoặc  ba  cấp.

Trong mỗi quy trình, quá trình phân hóa dung dịch rắn xảy ra theo các cơ chế khác nhau nhằm điều chỉnh kích thước, thành phần, hình thái và phân bố của pha tiết ra trong quá trình hóa già. Kết quả là, so với quá trình hóa già một cấp truyền thống, đã cải thiện được độ bền, tính bền ăn mòn, độ bền mỏi, rút ngắn thời gian hóa già,v.v..[4-8].

Trong các nghiên cứu trước đây [9,10], hóa già ba cấp và hóa già hai cấp đã được thực hiện trên hệ hợp kim này nhằm mục đích tăng độ bền và cải thiện tính bền ăn mòn. Tuy nhiên, thời gian hóa già là tương đương với các chế độ hóa già một cấp truyền thống. Trong nghiên cứu này, sẽ trình bày kết quả nghiên cứu ban đầu về quy trình hóa già hai cấp cho một hợp kim nhôm thuộc hệ Al-Zn-Mg-Cu, là hợp kim B95 (GOST) (được nấu luyện tại một nhà máy quân đội của Việt Nam), với mục đích rút ngắn thời gian hóa già, cải thiện tính bền ăn mòn nhưng không làm giảm quá nhiều độ bền của hợp kim.

2. THỰC NGHIỆM

2.1. Vật liệu

Hợp kim nhôm được sử dụng trong thí nghiệm là hợp kim B95, được sản xuất tại Việt Nam, với thành phần hóa học được phân tích trước khi đưa vào thí nghiệm như trong bảng 1. Hợp kim trước khi thí nghiệm được trải qua các nguyên công: đúc, ủ đồng đều, đùn ép và cán (các nguyên công này được thực hiện tại nhà máy). Mẫu thí nghiệm được cắt ra từ tấm cán có chiều dày 4 mm và rộng 50 mm. Mẫu thí nghiệm bao gồm các loại mẫu: mẫu thử kéo, mẫu thử ăn mòn (kích thước theo tiêu chuẩn) và mẫu kim tương (30x15x4 mm3)

2.2. Quy trình nhiệt luyện

Hợp kim lấy từ nhà máy được cắt thành các mẫu thí nghiệm, sau đó được nhiệt luyện theo sơ đồ đưa ra trong hình 1.

Hình 1. Quy trình nhiệt luyện (a) hóa già một cấp (b) hóa già hai cấp

Bảng 1. Thành phần hóa học của hợp kim nhôm B95 (%k.l.)

Cu Zn Mg Cr Mn Fe Al
1,84 5,67 2,10 0,18 0,39 0.34 Còn lại

2.3. Quan sát tổ chức tế vi

Sự thay đổi tổ chức tế vi của các mẫu thí nghiệm được quan sát và chụp ảnh bằng kính hiển vi quang học (Axiovert 25 CA – Carl Zeiss, Đức) và kính hiển vi điện tử quét phát xạ trường (FE-SEM, Nova NanoSEM 450 – FEI, Hà Lan). Các ảnh tổ chức tế vi được chụp từ mặt cắt dọc theo phương cán.

2.4. Thử cơ tính

Độ bền và độ giãn dài tương đối của các mẫu thí nghiệm được xác định bằng phương pháp thử kéo. Mẫu thử kéo được chế tạo theo tiêu chuẩn TCVN 197-1:2014 ISO 6892-1:2009. Độ cứng của mẫu thí nghiệm được xác định bằng phương pháp đo độ cứng Brinell. Số mẫu thử kéo và đo độ cứng là 03 mẫu.

2.5. Thử nghiệm ăn mòn

Đã thực hiện ba thử nghiệm ăn mòn theo tiêu chuẩn: ăn mòn tách lớp bề mặt (ASTM G 34 – 01), ăn mòn tinh giới (ASTM G 110 – 92) và thử nghiệm môi trường: thử nghiệm KB: sương muối, chu kỳ (dung dịch NaCl: TCVN 7699-2-52:2007).

3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1. Tổ chức tế vi

Với hệ hợp kim Al-Zn-Mg-Cu, cơ tính được quyết định bởi kích thước và bản chất pha tiết ra trong hạt của dung dịch rắn của nhôm, trong khi đó, tính bền ăn mòn ứng suất được quyết định bởi hình thái pha tiết trên biên hạt [7,11,12]. Với mục đích rút ngắn thời gian hóa già, cải thiện tính bền ăn mòn nhưng vẫn đảm bảo độ bền tương đương với chế độ hóa già một cấp truyền thống, đã lựa chọn công nghệ hóa già hai cấp với nhiệt độ cấp thứ nhất cao hơn nhiệt độ cấp thứ hai nhằm thúc đẩy quá trình tạo mầm pha tiết ra trong hợp kim. Hợp kim sẽ đạt đến trạng thái tổ chức pha như trong chế độ hóa già truyền thống một cấp trong thời gian hóa già ngắn hơn, đồng thời thay đổi hình thái pha tiết ra ở biên hạt nhằm cải thiện tính bền ăn mòn.

Hình 2. Giản đồ nhiễu xạ tia X của mẫu hợp kim B95 ở các trạng thái khác nhau

Để thấy được sự thay đổi tổ chức pha trong quá trình nhiệt luyện, phân tích pha định tính bằng nhiễu xạ tia X được thực hiện với các mẫu ở trạng thái trước khi thí nghiệm (TTCC), sau tôi, sau hóa già một cấp và hai cấp. Giản đồ nhiễu xạ tia X (hình 2) cho thấy ở trạng thái ban đầu, mẫu hợp kim gồm các pha: dung dịch rắn của nhôm (ddr Al), pha liên kim AlCuMg (pha S) và MgZn2 (pha h). Sau khi tôi, các pha liên kim hòa tan phần lớn vào dung dịch rắn. Sau hóa già, các pha tiết ra bao gồm pha h, pha S và pha Al2Cu (pha θ). Trong đó, pha hóa bền chính của hợp kim này là pha h.

Hình 3. Ảnh hiển vi điện tử quét phát xạ trường (FE-SEM) hợp kim sau a) hóa già một cấp và b) hóa già hai cấp

Để thấy được hình thái các pha trong tổ chức tế vi, ảnh hiển vi điện tử quét phát xạ trường (FE-SEM) của mẫu sau hóa già một cấp (hình 3a) và sau hóa già hai cấp (hình 3b) được ở các độ phóng đại khác nhau. Từ ảnh FE-SEM với độ phóng đại nhỏ 10000 lần (ảnh bên trái) cho thấy rõ kích thước pha liên kim trên nền dung dịch rắn trong mẫu hóa già một cấp có kích thước nhỏ hơn so với trong mẫu  hóa  già  hai  cấp.  Với  ảnh  phóng  đại  lớn 100000 lần (ảnh bên phải) cho thấy, pha tiết ra nhỏ mịn MgZn2 trong nền dung dịch rắn của ở chế độ hóa già hai cấp có kích thước pha tiết lớn hơn và mật độ thưa hơn. Với các pha tiết ra ở trạng thái bán liền mạng (h’) và liền mạng (h’’ và GP) chưa thể đánh giá bằng ảnh chụp FE-SEM. Đây là một trạng thái hóa bền của pha tiết ra có ý nghĩa lớn  trong  việc  tăng  độ  bền  của  hợp  kim  [5-7,11,12]. Để đánh giá được chính xác, hiển vi điện tử truyền qua là phương pháp phân tích hiệu quả nhất. Trong nghiên cứu này, hiệu quả hóa bền nhờ các pha tiết ra có kích thước nhỏ mịn trong nền dung dịch rắn có thể đánh giá gián tiếp qua độ bền của hợp kim (phần 3.2).

Hình 4. Ảnh hiển vi điện tử quét phát xạ trường (FE-SEM) tại vùng biên hạt của hợp kim sau a) hóa già một cấp và b) hóa già hai cấp

Hình 4 là ảnh FE-SEM của tại vùng biên hạt của mẫu hợp kim sau hoá già một cấp và hai cấp. Thấy rằng, ở mẫu hóa già một cấp, pha tiết được tiết ra gần như liên tục dọc theo biên hạt (các pha tiết ở dạng tấm nối tiếp nhau dọc theo biên hạt). Chiều dày của pha tiết ra dọc theo biên hạt mỏng. Trong khi đó, ở mẫu hóa già hai cấp do được hóa già ở nhiệt độ cao hơn, pha tiết ra ở biên hạt bị thô hóa và có dấu hiệu bị đứt đoạn dọc theo biên hạt (các pha tiết ra chuyển từ dạng tấm sang dạng hạt và có khoảng cách giữa các pha tiết ra). Dạng tiết pha không liên tục ở biên giới hạt là một trong những yếu tố quan trọng cải thiện độ bền ăn mòn của hợp kim.

Khi quá trình hóa già một cấp được thực hiện ở nhiệt độ 120 oC, sự hình thành pha tiết ra tuần tự từ vùng GP, pha liền mạng h’’, pha bán liền mạng h’ rồi đến pha liền mạng h. Sự kết tụ pha tiết ra sẽ xảy ra khi kéo dài thời gian hóa già. Hóa già hai cấp với nhiệt độ cấp thứ nhất ở 180 oC, nhiệt độ này lớn hơn nhiệt độ hòa tan vùng GP và h’’ nên pha tiết ra chỉ có thể là pha bán liền mạng h’ rồi đến pha liền mạng h [13]. Vì hóa già được thực hiện ở nhiệt độ cao, nên quá trình kết tụ pha tiết ra có thể xảy ra ngay từ cấp thứ nhất. Khi hóa già cấp thứ hai ở nhiệt độ 120 oC, quá trình kết tụ pha tiết ra ở cấp một tiếp tục xảy ra. Đây là lý do kích thước pha tiết trong mẫu hóa già hai cấp lớn hơn và mật độ thưa hơn so với mẫu hóa già một cấp, mặc dù tổng thời gian hóa già của hai cấp ngắn hơn.

Bảng 2. Cơ tính của mẫu thí nghiệm sau các chế độ hóa già khác nhau

Chế độ hóa già Giới hạn bền kéo, MPa Độ cứng, HB Độ giãn dài tương đối, %
Một cấp 652 ± 3 159 ± 2 14 ± 1
Hai cấp 612 ± 3 164 ± 2 14 ± 1

3.2. Cơ tính

Bảng 2 là kết quả một số chỉ tiêu cơ tính của mẫu hợp kim sau hóa già một cấp và hai cấp. Thấy rằng, so với mẫu hóa già một cấp, mẫu hóa già hai cấp có độ bền thấp hơn, và độ cứng hơi cao hơn. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với tổ chức tế vi của mẫu hợp kim. So với hóa già một cấp ở 120 oC, hóa già ở cấp thứ nhất ở 180 oC tạo ra kích thước mầm lớn hơn, đến khi hóa già cấp hai ở nhiệt độ 120 oC, quá trình phát triển mầm sẽ nhanh hơn nên sẽ đạt được trạng thái pha tiết ra như trong hóa già một cấp nhưng chỉ cần thời gian ngắn hơn. Do đó, sau hóa già cấp thứ hai kích thước pha tiết ra sẽ thô hơn và mật độ pha tiết thưa hơn, dẫn đến độ bền thấp hơn khoảng 40 MPa.

3.3. Tính chất ăn mòn

Để so sánh tính bền ăn mòn của hợp kim ở hai chế độ hóa già khác nhau, ba phương pháp thử ăn mòn được tiến hành. Ăn mòn tinh giới là dạng ăn mòn cục bộ làm thúc đẩy quá trình ăn mòn ứng suất của hệ hợp kim Al-Zn-Mg-Cu – một yếu điểm của hệ hợp kim độ bền cao này. Việc thử nghiệm ăn mòn tinh giới là một thử nghiệm gián tiếp để đánh giá tính bền ăn mòn ứng suất cho hệ hợp kim này. Với thử nghiệm ăn mòn tách lớp bề mặt và thử nghiệm môi trường sương muối, chu kỳ, là hai phương pháp thử hợp kim làm việc trong môi trường ngoài trời, đặc biệt là môi trường vùng biển và khí công nghiệp.

a. Ăn mòn tinh giới

Với thử nghiệm ăn mòn tinh giới, kết quả ăn mòn được đánh giá bằng chiều sâu vết ăn mòn để lại trên bề mặt mẫu sau quá trình thử. Bốn vết ăn mòn trên bề mặt mỗi mẫu được đo, kết quả được đưa ra trong bảng 3 với sai số ± 0,50 µm. Hình 5 là ảnh chụp vết ăn mòn tiêu biểu trên bề mặt mẫu bằng kính hiển vi soi nổi VHX6000. Từ kết quả cho thấy với mẫu hóa già hai cấp chiều sâu trung bình của vết ăn mòn nhỏ hơn. Đồng thời, chiều sâu các vết ăn mòn tương đối nhỏ và có độ lớn tương đương nhau. Trong khi, với mẫu hóa già một cấp, chiều sâu các vết ăn mòn rất khác nhau và có vết lớn tới 10 µm.

Hình 5. Chiều sâu vết ăn mòn tinh giới trên mẫu (a) hóa già một cấp, (b) hóa già hai cấp

Bảng 3. Chiều sâu vết ăn mòn trên bề mặt mẫu sau thử ăn mòn tinh giới

Chế độ hóa già Chiều sâu vết ăn mòn (µm)
Vết 1 Vết 2 Vết 3 Vết 4 Trung bình
Một cấp 10,48 3,80 5,06 4,15 5,87
Hai cấp 5,37 5,11 4,52 2,80 4,45

Điều này có thể giải thích do hình thái pha tiết ở biên hạt của hai chế độ hóa già. Pha tiết ra trên biên hạt là pha MgZn2 có thế điện cực thấp hơn so với nền dung dịch rắn, nên trong môi trường ăn mòn, pha MgZn2 sẽ bị ăn mòn và tạo thành lỗ tại vị trí bị ăn mòn này. Với mẫu hóa già hai cấp, vì pha tiết ra bị đứt đoạn, tức là phân bố thành dạng hạt trên biên hạt, khi một hạt bị ăn mòn, quá trình ăn mòn sẽ dừng lại. Với mẫu hóa già một cấp, vì phần lớn pha tiết ra ở dạng tiên tục nên quá trình ăn mòn pha MgZn2 xảy ra dọc theo biên hạt, do đó, sẽ tạo ra vết ăn mòn rộng và sâu hơn.

b. Ăn mòn tách lớp bề mặt

Với thử nghiệm ăn mòn tách lớp bề mặt, kết quả ăn mòn được đánh giá bằng quan sát bề mặt mẫu và qua sự giảm khối lượng của mẫu trước và sau ngâm dung dịch ăn mòn. Hình 6 là ảnh bề mặt mẫu sau ngâm dung dịch (mặt trước và mặt sau). Theo tiêu chuẩn, mẫu hóa già hai cấp bị ăn mòn ở mức EB – mức moderate, có tự tách lớp và mất kim loại ở mức nông; mẫu hóa già một cấp ở mức EB-EC, tức cao hơn mức moderate (EB) và thấp hơn mức severe (EC). Sự giảm khối lượng mẫu sau ăn mòn đưa ra sự đánh giá chính xác hơn. Bảng 4 là kết quả của sự giảm khối lượng của mẫu hợp kim sau hai chế độ hóa già khác nhau với sai số phép đo khối lượng là ± 0,0164 g. Kết quả cho thấy mẫu hóa già một cấp bị giảm khối lượng nhiều hơn sau ăn mòn. Như vậy, mẫu hợp kim sau hóa già hai cấp chịu ăn mòn tách lớp bề mặt tốt hơn.

Hình 6. Bề mặt mẫu sau ăn mòn tách lớp bề mặt của mẫu sau a) hóa già một cấp và b) hóa già hai cấp

Hợp kim B95 là hợp kim đa pha, khi ngâm trong dung dịch điện ly, quá trình ăn mòn điện hóa sẽ xảy ra. Sự ăn mòn khác nhau xảy ra trong mẫu hợp kim ở hai chế độ khác nhau có thể giải thích dựa vào nguyên lý ăn mòn điện hóa. Do mật độ pha tiết ra trong mẫu hóa già một cấp lớn hơn, số lượng cặp pin galvalic sẽ nhiều hơn dẫn đến tốc độ ăn mòn xảy ra nhanh hơn, tức lượng kim loại bị mất đi nhiều hơn. Hơn nữa, tốc độ ăn mòn theo biên giới hạt của mẫu hóa già một cấp lớn hơn, dẫn đến quá trình ăn mòn theo biên hạt lớn hơn, thúc đẩy quá trình bong tróc và tách lớp kim loại trên bề mặt, làm mất kim loại nhiều hơn.

c. Thử nghiệm môi trường

Hình 7. Ảnh chụp bề mặt mẫu thử ăn mòn sương muối chu kỳ sau một chu kì (hàng trên) và bốn chu kì (hàng dưới) của mẫu sau a) hóa già một cấp và b) hóa già hai cấp

Thử nghiệm môi trường sương muối, chu kỳ được thực hiện ở mức độ khắc nghiệt 3 trong nghiên cứu này. Sau bốn chu kỳ phun, mẫu được quan sát và chụp ảnh bề mặt để đánh giá mức độ ăn mòn. Hình 7 là ảnh chụp bề mặt mẫu sau một chu kỳ phun (hàng trên) và sau bốn chu kỳ phun (hàng dưới). Nhận thấy rằng, bề mặt của mẫu sau  hóa già một cấp bị ăn mòn mạnh hơn so với bề mặt mẫu hóa già hai cấp. Bề mặt mẫu hóa già một cấp có nhiều lỗ ăn mòn hơn, kích thước lỗ ăn mòn lớn hơn và sâu hơn. Điều này có thể giải thích do mẫu hóa già một cấp có tổ chức tế vi chịu ăn mòn tinh giới và ăn mòn galvalic kém hơn, dẫn đến khi các pha chứa Zn có điện thế ăn mòn thấp hơn bị ăn mòn tạo ra các lỗ ăn mòn trên bề mặt.

4. KẾT LUẬN

Với mục đích rút ngắn thời gian hóa già, cải thiện tính bền ăn mòn nhưng không làm giảm nhiều độ bền của hợp kim, nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng năng suất lao động, bài báo đã trình bày những kết quả nghiên cứu ban đầu về công nghệ hóa già hai cấp trên hợp kim B95 thuộc hệ hợp kim Al-Zn-Mg-Cu. Quá trình hóa già hai cấp đã rút ngắn được thời gian hóa già từ 24 giờ xuống 6,5 giờ (giảm 70 %), trong khi độ bền chỉ giảm từ 652 MPa xuống 612 MPa (giảm 6 %) đồng thời cải thiện được tính bền ăn mòn.

Kết quả nghiên cứu này có thể áp dụng thử nghiệm cho các hợp kim nhôm nội địa khác hệ Al- Zn-Mg-Cu và các hệ hợp kim nhôm có thời gian hóa già dài, nhằm rút ngắn thời gian hóa già đồng thời cải thiện tính bền ăn mòn mà vẫn đảm bảo cơ tính.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu này được tài trợ bời Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong đề tài mã số T2018- PC-087.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

  1. T. Dursun, C. Soutis; Recent developments in advanced aircraft aluminium alloys, Materials and Design, Vol. 56, 2014, p. 862-871
  2. W. S. Miller, L. Zhuang, J. Bottema, A. J. Wittebrood, P. De Smet, A. Haszler, A. Vieregge; Recent development in aluminium alloys for the automotive industry, Materials Science and Engineering A, Vol. 280, 2000, p. 37-49
  3. I. J. Polmear; Aluminium Alloys – A Century of Age Hardening, Materials Frorum, Vol 28, 2004, p. 1-14
  4. Paul A. Rometsch, Yong Zhang, Steven Knight; Heat treatment of 7xxx series aluminium alloys-Some recent developments, Transactions of Nonferrous Metals Society of China, Vol. 24, 2014, p. 2003−2017
  5. Y. Liu, D. M. Jiang, W. J. Li; The effect of multistage ageing on microstructure and mechanical properties of 7050 alloy, Journal of Alloys and Compounds, Vol. 671, 2016, p. 408-418
  6. Dongmei Liu, Baiqing Xiong, Fenggang Bian, Zhihui Li, Xiwu Li, Yongan Zhang, Feng Wang, Hongwei Liu; Quantitative study of precipitates in an Al-Zn-Mg-Cu alloy aged with various typical tempers, Materials Science & Engineering A, Vol. 588, 2013, p. 1-6
  7. LI Jin-feng, PENG Zhuo-wei, LI Chao-xing, JIA Zhi-qiang, CHEN Wen-jing, ZHENG Zi-qiao; Mechanical prop- erties, corrosion behaviors and microstructures of 7075 aluminium alloy with various aging treatments, Transactions of Nonferrous Metals Society of China, Vol. 18, 2008, p. 755-762
  8. R. N. Lumley, I. J. Polmear, A. J. Morton; Temper Developments Using Secondary Ageing, Materials Forum, Vol. 28, 2004, p. 85-95
  9. Nguyễn Thị Vân Thanh, Phùng Thị Tố Hằng, Ngô Minh Tiến; Ảnh hưởng của hóa già phân cấp đến tổ chức và tính chất của hợp kim Al-Zn-Mg-Cu, Tạp chí Khoa học và công nghệ Kim loại, số 74, 10/2017, tr. 36-42
  10. Ngô Minh Tiến, Nguyễn Thị Vân Thanh, Phùng Thị Tố Hằng; Ảnh hưởng chế độ quá hóa già đến tính chất ăn mòn của hợp kim nhôm tấm hệ Al-Zn-Mg-Cu, Tạp chí Nghiên cứu KH&CN quân sự, số 65, 2/2020, tr. 136-141
  11. Wenchao Yang, Shouxun Ji, Qian Zhang, Mingpu Wang; Investigation of mechanical and corrosion prop- erties of anAl-Zn-Mg-Cu alloy under various ageing conditions and interface analysisof η′ precipitate, Materials and Design, Vol. 85, 2015, p. 752-761
  12. D. Wang, D. R. Ni, Z. Y. Ma; Effect of pre-strain and two-step aging on microstructure and stress corrosion cracking of 7050 alloy, Materials Science and Engineering A, Vol. 494, 2008, p. 360-366
  13. L. B. Ber; Accelerated artificial ageing regimes of commercial aluminium alloys. II: Al-Cu, Al-Zn-Mg-(Cu), Al- Mg-Si-(Cu) alloys, Materials Science and Engineering A, Vol. 280, 2000, p. 91-96

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *